CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập nghề Israel

Đi học làm nông nghiệp công nghệ cao


Đăng lúc: 2015-04-20 16:08:55 - Người đăng bài viết: - Đã Đọc: 2870
Một vườn cam xanh tốt trong sa mạc Gurion. Nhờ áp dụng công nghệ cao, người dân Israel có thể trồng trọt cả trong sa mạc với năng suất cao. Trung tâm Quốc tế đào tạo về nông nghiệp Avara của Israel (AICAT) đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để giúp đào tạo làm nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2004, Israel đã đào tạo cho Việt Nam 20 học viên, năm 2005 dự kiến là 40 người, và những năm sau con số này sẽ tiếp tục được tăng thêm. Đây là sự hợp tác có kết quả tốt, thiết thực và phù hợp với những yêu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

AICAT là gì?

Đó là tên viết tắt của Trung tâm Quốc tế đào tạo về nông nghiệp Avara của Israel (Avara International Center for Agricultural Training), một trung tâm hoạt động độc lập, với sự khuyến khích và hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, đồng thời được sự chấp thuận của các Bộ Lao động, Bộ Nội vụ Israel. Trong nhiều năm qua, một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Nepal... đã hợp tác và gửi học viên tham gia các khóa đào tạo của AICAT. Cùng lúc với Việt Nam, Philippines cũng gửi người sang Israel để được đào tạo. Việc hợp tác giữa AICAT với các quốc gia nói trên đều thông qua các cơ quan quản lý cấp nhà nước (cấp bộ). Chẳng hạn hợp tác với Thái Lan là thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn với các nước khác thì lại thông qua Bộ Nông nghiệp.

Tại Israel, có một số trung tâm độc lập kiểu này. Ngoài AICAT, Ramat Negev, người Việt Nam còn biết nhiều tới CINADCO (Center for International Agriculture Development Cooperation) là trung tâm đã cử các chuyên gia sang Việt Nam để giúp thực hiện những chương trình rau sạch và chuyển giao một số công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Các trung tâm này có những chuyên gia rất giỏi cả về lý thuyết và thực hành, làm việc độc lập - nghĩa là không phải công chức nhà nước mà làm hợp đồng theo từng đề tài ký kết với các quốc gia. Khi tiếp xúc với các chuyên gia này tại trụ sở CINADCO ở Tel-Aviv, tôi hiểu một cách nôm na rằng đó là một loại công ty “xuất khẩu khoa học - công nghệ” nhưng mang tính chất hợp tác, giúp đỡ bạn bè là chính, chứ không chỉ kinh doanh qua việc chuyển giao công nghệ.

Các trung tâm này thuộc loại có tên tuổi trên thế giới, bởi nói đến nền nông nghiệp của Israel, không chỉ các nước đang phát triển mà ngay cả các quốc gia Tây Âu cũng phải kiêng nể. Chỉ xin nêu một vài con số để minh chứng: diện tích Israel chỉ tương đương tỉnh Nghệ An nhưng một phần ba diện tích ở phía nam lại là sa mạc Negev; lượng mưa cả năm ở Eilat chỉ có... 25 mi li mét, còn ở Tel-Aviv cũng chỉ 539 mi li mét. Dân số chưa đến 6 triệu, mà phần lớn lại tập trung trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao (riêng thành phố Tel-Aviv đã có hơn 2 triệu dân), vậy mà mỗi năm ngành nông nghiệp Israel sản xuất được hơn nửa triệu tấn cam, chanh, xuất khẩu hơn 300.000 tấn; hàng trăm ngàn tấn cà chua, khoai tây, nho. Và có lẽ ít người biết rằng mỗi năm Israel xuất sang châu Âu cả triệu bông hoa.

Ở Việt Nam, chúng ta đã biết về công nghệ “tưới nhỏ giọt”, công nghệ trồng rau trong nhà lợp nylon và tưới tự động với năng suất cao gấp 10-15 lần ruộng rau đối chứng, công nghệ tăng năng suất cây điều, công nghệ cho tôm sú đẻ ra toàn tôm đực... mà TBKTSG đã có lần giới thiệu. Ngay cả Trung Quốc từ hai thập kỷ trước cũng đã hợp tác với Israel để lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn nhằm chuyển giao công nghệ nông nghiệp, lập những liên doanh trồng hoa xuất khẩu…

Đào tạo dựa trên thực tế

Một khóa đào tạo của AICAT chỉ gói gọn trong 11 tháng, từ đầu tháng 9 đến hết tháng 7 năm sau. Đó là toàn bộ thời gian của mùa nông nghiệp trong một năm ở Israel. Điều này cũng có nghĩa là học viên sẽ có kiến thức về các loại cây trồng trong một năm mùa vụ ở Israel. Mỗi tháng chỉ có ba ngày học lý thuyết trên lớp, còn lại học viên được trực tiếp làm việc trong các trang trại (nhà lưới, nhà kính...) để được đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình học cũng bao gồm thời gian đi tham quan các mô hình canh tác nông nghiệp khác và một số danh lam thắng cảnh của Israel. Có thể coi cách học như thế là một phương pháp tốt, vừa có trình độ về lý thuyết, vừa nâng cao được tay nghề, hoặc cũng có thể gọi là một cách học thông qua lao động thực hành. Lao động ở đây không chỉ có nghĩa lao động chân tay mà còn bao hàm cả lao động trí óc. Chẳng hạn học viên sẽ hiểu biết và vận hành được hệ thống tưới nhỏ giọt, vận hành những máy tự động đặt trong nhà lưới, nhà kính, cấy mô và chăm sóc cây con trong ống nghiệm...

Do yêu cầu khá cao của khóa học, nên “đầu vào” - tuyển sinh - của chương trình có những tiêu chuẩn không phải dễ: chỉ tiếp nhận các học viên từ 22-30 tuổi, có trình độ sinh viên năm thứ 3 trở lên ở các trường đại học nông nghiệp, hoặc các cán bộ khuyến nông đã tốt nghiệp trung cấp hoặc đại học nông nghiệp. Những người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh được ưu tiên (mặc dù cả đoàn cũng có một phiên dịch). AICAT sẽ đón học viên tại sân bay Tel-Aviv và đưa về từng trang trại (mỗi trang trại sẽ bố trí hai học viên, và nhà ở trong những trang trại này chỉ cách nhau vài chục mét).

Đi học, tiếp thu những kiến thức hiện đại, thì lẽ đương nhiên phải trả học phí. Những khoản chi bắt buộc bao gồm: vé máy bay khứ hồi Việt Nam-Israel, phí đăng ký học 50 đô la Mỹ, bảo hiểm y tế cho cả khóa học 65 đô la Mỹ (chủ trang trại đóng thêm cho mỗi học viên 100 đô la Mỹ bảo hiểm y tế), học phí cả khóa 1.000 đô la Mỹ được đóng dần trong 10 lần, và những chi phí về ăn uống, mua sắm cá nhân (không phải trả tiền nhà ở). Ngược lại, chủ trang trại sẽ phải trả cho mỗi học viên 19 đô la Mỹ/ngày làm việc 8 tiếng, và 2,6 đô la Mỹ cho mỗi giờ làm thêm. Hàng tuần được nghỉ ngày chủ nhật, nhưng nếu học viên làm thêm sẽ được trả tiền theo mức nói trên.

Những quy định nói trên đã được thỏa thuận giữa hai bên, và “cứ thế mà làm”. Nói điều này là cốt để những học viên của chúng ta tham khảo, bởi người Israel vốn nổi tiếng về giờ giấc làm việc, tuân thủ những quy định chung. Điều quan trọng là chúng ta có dịp tiếp xúc và được đào tạo “tại chỗ” về một nền nông nghiệp công nghệ cao thuộc loại hàng đầu thế giới, và đây chính là thứ mà chúng ta đang cần.

Đăng ký

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Nguyễn Thị Mai Thu
Hotline
Ms.Thu
0914 598 895
Mrs. Dương
0964469355
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029